Sơn Dương nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động

Là địa phương có tiềm năng lớn về lao động, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Dương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Từ đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Ông Đào Quang Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, xác định việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ngay từ đầu năm cấp ủy, chính quyền trong huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách của tỉnh về giải quyết việc làm và giảm nghèo tới người dân. Từ đó, giúp người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình; chú trọng xây dựng làng nghề, hợp tác xã, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ...


Công ty TNHH Long Thắng, xã Ninh Lai (Sơn Dương) tạo việc làm cho 30 - 40 lao động tại địa phương. 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2019, huyện đã giải quyết việc làm cho 5.646 lao động, đạt 119,9% kế hoạch. Trong đó lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh 3.911 người, đạt 114% kế hoạch; lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành phố 1.620 người, đạt 135% kế hoạch. Xuất khẩu lao động 115 người, đạt 143% kế hoạch năm. Nhiều lao động có việc làm ổn định đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 9,31%.  

Hợp Hòa là một trong những xã đi đầu trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã nói, tạo việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Năm 2019, xã đã chỉ đạo các thôn, bản rà soát nhu cầu học nghề, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các công ty trong nước có nhu cầu tuyển lao động, để có hướng mở các lớp nghề phù hợp. Vì vậy, năm 2019, xã đã giải quyết việc làm cho 658 lao động, đạt 369,6% kế hoạch, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 339 hộ, chiếm 18,31%. 

Bên cạnh đó, huyện chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Trong năm 2019, huyện đã mở được 17/15 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp với 525 học viên, đạt 113% kế hoạch. Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động đã xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình nuôi ốc nhồi ở xã Vân Sơn; trồng chè hữu cơ ở các xã Hợp Thành, Tân Trào, Minh Thanh... Chị Triệu Thị Nhung, thôn Trấn Kiêng, xã Phú Lương chia sẻ, chị không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm chỉ làm ruộng nên kinh tế gia đình khó khăn. Từ năm 2018, chị được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, tư vấn học nghề may. Sau đó, chị đã xin được việc làm tại Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Danh, thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng, với thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng. Từ khi có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình chị đã được cải thiện rất nhiều, các con có điều kiện học tập tốt hơn nên chị rất phấn khởi. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Các doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho từ 3.500 - 4.000 lao động địa phương. Điển hình như: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty TNHH Long Thắng... Nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, trong năm 2020 huyện tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt bằng, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất; chú trọng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục